Trên xe bus về nhà hôm nay, bố có đọc được một mẩu chuyện rất hay, từ cuốn Outliners của Malcomn Gladwell. Sách thì dài nhưng tóm tắt lại như thế này.
Khi nghĩ về những thiên tài, phần lớn chúng ta ai cũng phải công nhận rằng tài năng bẩm sinh đóng một vai trò lớn. Tuy nhiên khi nghiên cứu sâu về rất nhiều những cá nhân xuất chúng này, thì các nhà nghiên cứu lại phát hiện ra rằng, vai trò của tài năng bẩm sinh có đóng góp vào sự thành công nhưng không lớn như mọi người thường nghĩ.
Thành công của một cá nhân là tích lũy của rất nhiều các yếu tố, từ gia đình, xã hội, môi trường, thời điểm, cố gắng nỗ lực của bản thân, cho đến may mắn. Những yếu tố này nuôi dưỡng và tạo điều kiện tối đa nhất cho sự phát triển của một tài năng, dù bẩm sinh chỉ là ở mức bình thường như tất cả mọi người khác.
Một cây sồi cao nhất trong rừng, sẽ thường là cây mọc lên từ một hạt giống tốt. Tuy nhiên, chính cái cây đó cũng thường là cây mọc ở chỗ có nhiều ánh sáng nhất, đất xung quanh tốt nhất, đủ nước mưa nhất nhưng lại không ở chỗ trũng để bị ủng rễ, là cây không bị chuột gặm rễ khi còn nhỏ hay sâu ăn khi trưởng thành.
Môi trường xung quanh sẽ đóng góp nhiều cho sự phát triển lâu dài hơn là tài năng bẩm sinh. Tạo ra và duy trì được một môi trường tốt sẽ là điều quan trọng bậc nhất cho sự trưởng thành của một đứa trẻ, một con người.
Khi nghiên cứu về các cầu thủ bóng Hockey ở Canada, nơi mà môn thể thao này được ưa chuộng bậc nhất, người ta phát hiện ra rằng, rất nhiều những cầu thủ giỏi đều sinh vào những tháng đầu năm. Khi tìm hiểu kỹ hơn thì phát hiện ra một điều rất thú vị. Vì là môn thể thao được ưa thích, các trường từ bậc tiểu học trở đi đều có giải hockey toàn quốc. Hầu hết các bé trai đêu chơi môn thể thao này, và việc được chọn vào đột tuyển thi đấu là một niềm tự hào. Tuy nhiên, có lẽ để cho công bằng, có một sự quy định ngặt nghèo về độ tuổi. Những em lớn hơn 10 tuổi thì không được thi đấu cho cấp tiểu học nữa, nghĩa là những em sinh trước ngày 1 tháng 1 của một năm xyz nào đó sẽ bị loại nếu em là 11 tuổi theo năm sinh.
Vào khoảng 10 tuổi, cách nhau 9-10 tháng là cả một khoảng cách lớn, và những em sinh đầu năm thường lớn vổng hơn so với những em cùng tuổi nhưng sinh vào cuối năm.
Và như thế, với thể hình vượt trội, dù kỹ năng chơi bóng có như nhau, thường những em sinh đầu năm sẽ được tuyển chọn vào đội hạt giống, sẽ được tập nhiều hơn, thi đấu nhiều hơn, rèn luyện nhiều hơn so với những em bị loại. Và tự nhiên như thế, cơ hội phát triển cho những em được chọn bỗng dưng lớn hơn rất nhiều - và điều này đặc biệt quan trọng khi còn bé. Nó là sự tự tin, là đam mê và là cảm giác thành công ở việc mình làm. Đó là cái nôi cho tài năng phát triển.
Những điều này, liên quan gì đến việc cho con đi học sớm?
Ở VN một dạo hay có khi bây giờ vẫn còn, là nhiều bố mẹ muốn cho con đi học sớm vì nghĩ rằng con sẽ "lợi" được một tuổi khi vào đời. Như thế có nghĩa là em bé kia sẽ vào học với các bạn lớn hơn mình có thể cả năm trời. Suy ngược lại những gì ở ví dụ hockey trên kia, có lẽ em bé ở độ tuổi 5-6 này- vì bé quá mà dễ bị bắt nạt, không theo kịp bạn bè vì tư duy còn chưa tốt như các bạn, học kém hơn các bạn, và như thế sẽ sinh ra tự ti, yếu đuối. Như là lỡ nhịp vậy.
Những so sánh với bạn bè, nhất là những so sánh làm tổn hại đến sự tự tin vào bản thân ở những năm đầu đời này, có lẽ sẽ để lại dấu ấn trong suốt cuộc đời một con người và ít nhiều ảnh hưởng đến thành công của họ.
Với Bông và Chi, bố mẹ muốn gì nhỉ? ít ra rằng bố mẹ đã quyết định... không cho các con đi học sớm :) và các con sẽ được tạo điều kiện và môi trường thuận lợi nhất có thể để phát triển thành một cây cao trong rừng. Còn cao được đến đâu là ở sự cố gắng của các con nữa.
2 comments:
ôi mẹ Ngọc của Bông Chi đi học sớm đấy thôi hehe nếu đi học đúng tuổi thì giờ chắc thành cây cổ thụ rồi... hehe, học sớm đã chắc gì có Bông Chi bây giờ, bác Ngọc nhỉ?
Ơ, dì Vân chỉ được cái nói đúng. Nhưng mà hôm nào dì đi shopping với mẹ Bông Chi xem, biết ngay ảnh hưởng của việc hồi bé bị bully :))
Post a Comment